Các tính chất đặc trưng của dầu nhớt

Các tính chất đặc trưng của dầu nhớt
Ngày đăng: 25/12/2022 02:37 PM

Một dầu nhớt thành phẩm được đặc trưng bằng những tính chất lý hóa cơ bản như sau :
- Độ nhớt động học hoặc độ nhớt động lực học
- Chỉ số độ nhớt 
- Điểm chớp cháy
- Điểm rót chảy
- Độ kiềm tổng
- Độ a-xít tổng

Độ nhớt : là đặc trưng cho tính kháng chảy của dầu nhớt. Dầu nhớt càng đặc thì càng khó chảy và ngược lại.

Hình 1


Độ nhớt được đo bằng hai phương pháp : động lực (Hình 2) và động học (Hình 3).
Độ nhớt động lực là số đo lực cần thiết để làm trượt một lớp dầu trên một lớp dầu khác. Đơn vị thường dùng là centiPoise (cP = mPa.s).
Độ nhớt động học được đo qua thời gian để một thể tích chuẩn của dầu nhớt chảy qua một ống chuẩn ở một nhiệt độ chuẩn, thường là 40oC và 100oC. Đơn vị thường dùng là centiStokes (cSt = mm2/s).

Độ nhớt thay đổi theo nhiệt độ. Khi nhiệt độ tăng thì độ nhớt giảm và ngược lại.

Hình 2                                             Hình 3



Chỉ số độ nhớt (VI) : là đặc trưng cho mức độ ảnh hưởng của nhiệt độ đối với độ nhớt. Dầu nhớt có VI càng cao thì độ nhớt của nó càng ít thay đổi theo nhiệt độ. VI tùy thuộc bản chất của dầu nhớt. Dầu gốc khoáng có VI thấp hơn dầu tổng hợp. Có thể làm tăng VI của dầu nhớt bằng cách dùng một loại phụ gia đặc biệt.

Điểm chớp cháy : là nhiệt độ thấp nhất dưới áp suất khí quyển mà hơi dầu sẽ chớp cháy khi gặp ngọn lửa (Hình 4). Điểm chớp cháy cốc hở dùng để đánh giá nguy cơ cháy của dầu nhớt khi tồn trữ, đong rót; điểm chớp cháy cốc kín dùng để đánh giá tình trạng của dầu nhớt khi đang sử dụng trong máy móc. Đối với cùng một loại dầu nhớt, điểm chớp cháy cốc hở cao hơn điểm chớp cháy cốc kín từ 15 đến 20oC.

Hình 4



Điểm rót chảy : là nhiệt độ thấp nhất mà dầu nhớt còn có thể rót chảy được. Đây là đặc trưng cho tính chảy của dầu nhớt ở nhiệt độ thấp, rất quan trọng đối với các nước ôn đới vào mùa đông khi xe hoặc thiết bị làm việc ngoài trời phải khởi động trong thời tiết giá lạnh. (Hình 5)

Hình 5


Độ kiềm tổng: là số đo độ kiềm của dầu nhớt động cơ, tính bằng đơn vị mgKOH/g. Độ kiềm này là do các phụ gia có tính kiềm được pha vào dầu nhớt động cơ để trung hòa các a-xít sinh ra trong quá trình động cơ đốt cháy nhiên liệu và để tẩy rửa làm sạch động cơ. Tùy theo chất lượng nhiên liệu sử dụng (hàm lượng lưu huỳnh trong nhiên liệu) mà phải chọn loại dầu nhớt có độ kiềm tổng thích hợp để đảm bảo chống ăn mòn và làm sạch tốt cho động cơ. Hàm lượng lưu huỳnh càng cao thì độ kiềm tổng của dầu nhớt phải càng lớn.

Độ a-xít tổng: là số đo độ a-xít của dầu nhớt do các thành phần ô-xi hóa của dầu nhớt trong quá trình sử dụng, đơn vị là mgKOH/g. Các loại dầu nhớt công nghiệp (dầu thủy lực, dầu bánh răng, …) thường được sử dụng trong thời gian dài, do đó độ a-xít sẽ tăng dần cùng với mức độ biến chất của dầu. Khi độ a-xít vượt quá một mức giới hạn thì phải thay dầu để ngăn chận ăn mòn và đảm bảo tính năng làm việc của dầu nhớt.

Vì sao cần phải thay dầu nhớt ?
Dầu nhớt trong quá trình sử dụng sẽ bị biến chất do nhiều nguyên nhân :
- Ô-xi hóa, làm phát sinh ra cặn bùn và a-xít
- Tạp nhiễm bụi, đất, kim loại mài mòn, nước, nhiên liệu, không khí
- Suy giảm phụ gia
Vì thế sau một thời gian sử dụng cần phải thay dầu nhớt mới. Việc thay dầu có thể lập lại sau những khoảng thời gian bằng nhau gọi là định kỳ thay dầu. Định kỳ này dài hay ngắn phụ thuộc vào chất lượng dầu, điều kiện vận hành và điều kiện môi trường làm việc. Các nhà sản xuất thiết bị thường khuyến cáo loại dầu nhớt sử dụng và định kỳ thay dầu trong những điều kiện vận hành bình thường. Trong những điều kiện vận hành khắc nghiệt hơn thì định kỳ thay dầu thường phải rút ngắn lại chỉ còn 1/2 định kỳ tiêu chuẩn

Lời kết: Trên đây Saigonlube giới thiệu là những tính chất hóa lý cơ bản quan trọng của dầu nhớt, qua các tính chất này các chuyên gia có thể đánh giá được chất lượng dầu nhớt mới, cũ để từ đó quyết định sử dụng hay thay thế

0
Chỉ đường
Zalo
Hotline

0973558827